Trang Đấu giá nghệ thuật | Cập nhật mới nhất
 
 
 
4416178031c0d89e81d1.jpg
 
VCG919036M | Tình yêu luôn nâng đôi cánh nghệ thuật
  • Mô tả - Nội dung
  • Thẻ
  • Thông tin
  • 0 lời bình

Võ sư, nhà khoa học, họa sĩ Ngô Xuân Bính (hiện đang sinh sống ở Nga) lần thứ hai triển lãm tranh tại Việt Nam. Công chúng yêu nghệ thuật lại một lần nữa được chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa đặc biệt của ông trong triển lãm 'Niệm', sau cơn địa chấn 'Du & Dội' kéo dài suốt hai năm trước. Đối với ông, hội họa là một hành trình mới và khác trong dấn thân sáng tạo được ông lựa chọn để thử thách, bởi 'nghệ thuật là sự đối diện với chính mình và dấn thân xã hội'.

Dư âm và tiếp nối

Triển lãm mang tên "Du và Dội" diễn ra trong suốt 2 năm 2017- 2018 là triển lãm lớn nhất của họa sỹ Ngô Xuân Bính tại Việt Nam với mong muốn mọi người cùng nhận ra thế giới luôn kỳ lạ, rất thương yêu và mới mẻ. Hơn 200 tác phẩm triển lãm tại “Du & Dội” dường như “phơi bày” cuộc sống “hỉ, nộ, ái, ố” của ông bởi “tranh là đời, đời là tranh”.

Những bức như: “Hớp hồn”; “Tiềm thức”; “Hoang dại”; “Bí ẩn” hay như tác phẩm “Lên đồng”; “Vân tranh” ông đã lấy ý niệm về chuyện cổ tích và huyền thoại trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam... để đắp bồi lên tranh.

Tại triển lãm này, không chỉ kế thừa lối vẽ “âm”, Ngô Xuân Bính đã kết hợp lối vẽ của phương Tây, diễn tả trực tiếp cảm xúc, màu sắc, đường nét bằng cách vẽ đắp vào, bôi vào... tạo thành lối vẽ “dương”. Sự kết hợp này vừa khiến lối vẽ “âm” thêm lung linh, bí ẩn những lớp màu với chiều sâu ẩn hiện vừa giúp cho cách vẽ “dương” thêm mạnh mẽ, tươi sáng, màu sắc như được dồn nén, tạo sự hài hòa. Triển lãm “Du & Dội” là một “món quà tri ân xứ sở”.

Họa sỹ Ngô Xuân Bính

Nếu ở “Du & Dội”, sự rung cảm về nguồn cơn được tạo ra trên mỗi bức tranh phát nghĩa từ các mảng màu sắc vô định hình, hoặc không cả ý nghĩa, nhảy vào tranh ông chỉ do chúng gọi nhau, màu gọi màu, nét gọi nét, suy tưởng gọi suy tưởng, tề tựu, thậm chí chỉ là cách ông tổng lực tống ra năng lượng lúc bị dồn nén....

Sang tới “Niệm” con sông bớt cuồng nộ đang tiến xuống đồng bằng vừa nhận và cho đôi bờ phù sa của nó. Không gian Bắc Bộ thấm bảng lảng vào những mảng son thắm, son trai, hoàng thổ, then đen, trắng ngà, hay bất giác vụt xanh óng ả... Trong nhiều bức sơn mài của ông. Năng lượng lần này cô đọng hơn, nén trong cách ông lập hình run rẩy, dữ dội và ma mị. Chùa, đình, đền, miếu...

Hình ảnh các không gian tâm linh, nhưng nghi lễ cổ sơ của người Việt dường như thấp thoáng ẩn hiện trên đôi bờ con sông đang về với đồng bằng. Họa sĩ Ngô Xuân Bính quẫy mình trong con sông nghệ thuật của ông, con sông của tự ông xông phá tìm đường chảy cho nó. Con sông căng đầy năng lượng và sung mãn những hứa hẹn lớn lao ...

“Khi tôi yêu một thứ gì đó thì sẽ dành hết quỹ thời gian và sống hết mình vì chúng. Đơn cử như trong hội họa, từng nét vẽ là từng tâm tư, tình cảm tôi gửi vào đó… Trong sáng tác tranh sơn mài đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự bền bỉ trong cảm xúc và kiên nhẫn trong lao động nghệ thuật. Đã là nghệ thuật thì phải có cá tính riêng không trộn lẫn. Tôi luôn theo dõi từng dòng chảy của hội họa và tự tìm cho mình một lối riêng. Tranh sơn mài với tôi là tình yêu. Chính tình yêu này mang cho tôi nhiều xúc cảm để tạo ra sự đột phá khác biệt”, họa sĩ Ngô Xuân Bính trải lòng.

“Niệm” - Thách thức nghệ thuật đáng trân trọng

Họa sỹ Ngô Xuân Bính: Mỗi chúng tôi ai cũng có những nét riêng nhưng với “tình yêu” của mình, chúng tôi muốn “Niệm” mang lại những nét mới, sâu lắng, thanh tao để mọi người cùng cảm nhận và hòa chung với nó.

Cá nhân tôi đang “yêu”, sẽ “yêu” và mãi mãi vẫn “yêu”. Đó là “tình yêu” sẽ luôn thôi thúc tôi lao động, cống hiến và mãi mãi vẫn nguyên vẹn một “tình yêu” như thế với hội họa

Có lẽ chính vì tình yêu kỳ lạ nơi ông, nhìn những bức tranh về “Niệm”, nghệ thuật sáng tạo giữa “tâm” và “thức” đã được ông đẩy lên cao trào, nét chung ở các tác phẩm là sự hướng thiện thể hiện trong những nét vẽ miên man, huyền diệu, trào dâng cảm hứng vô thức.

Ở đó, những bức tranh mang đầy sự trắc ẩn giữa tâm và thức, để rồi cuộc đấu tranh giữa tâm và vọng thức trở nên khốc liệt qua từng nét lột tả của người họa sĩ, truyền tải thông điệp: Tâm thường hằng không sinh diệt, còn thức là vọng tưởng vô thường, luôn biến đổi, khi tốt khi xấu.

Nói về Ngô Xuân Bính, họa sỹ Nguyễn Quân gọi ông là “Người thú thủa hồng hoang”, nói về tranh ông là những bóng hình dần hiện, tự bứt mình ra khỏi nền đá đất tối tăm nóng ẩm của vách tường hang động. Chưa rõ dạng nhân chi sơ - một loài thú đặc biệt đang tạo hóa, chưa lột bóc hoàn toàn khỏi xương thịt dã sinh và còn đang vùng vẫy một cách bi đát mà hào hùng khỏi vùng tâm thức người - thú trong chạng vạng u minh lẫn lộn.

Ngô Xuân Bính dùng các loại nền vẽ khác nhau như kim loại, nhựa hoặc vải. Một lớp phủ công nghệ dầy mỏng cuối cùng khiến tranh như được lồng kính bảo vệ mà hiệu quả bắt sáng phản quang màu là phi truyền thống. Chất sơn ta, bạc thếp, màu khoáng chất truyền thống, màu công nghiệp, sơn công nghiệp đủ cả.

Kĩ thuật cũng có phủ có mài có thếp nhưng hoàn toàn tự do như vẽ sơn dầu trực tiếp, với các dụng cụ tự chế khác lạ và hầu như bỏ sạch các quy tắc, lớp lang thủ công.Thứ kĩ thuật vật liệu này cho phép họa sĩ tạo form và bộc cảm tức thời, đầy ngẫu hứng và may rủi không xa với hội họa biểu hiện Đức hay hội họa hành động Mỹ.

Họa sĩ đối xử với chất liệu như đối xử với một đối tác hữu tình: Khi thô bạo, vụng về, khi ân cần, tinh tế, khi ức hiếp khi cung phụng… Các chất liệu và thao tác kĩ thuật tỏ ra đã phát huy được một năng lực quán xuyến tạo hình mạnh mẽ, đa dạng, phức tạp của tác giả. Chừng đó chứng tỏ những “đổi mới” chất liệu kĩ thuật của ông đã là thành công của riêng.

Thành công ấy thấy rõ ở loạt tranh thứ hai hoàn toàn trừu tượng với hai dạng nghiêm ngắn, thăng bằng, chặt chẽ hơi tĩnh, kỉ hà học với màu trầm nặng và bùng lóe theo các phương chéo, xộc xệnh nghiêng đổ với màu sắc chói gắt, lung linh. Loạt tranh thứ ba với các “hình nhân” giống như các bộ quần áo dân gian, lễ hội, của kẻ nghèo lầm lũi hay của bậc quyền quý vương phi một thời xa vắng. Tương phản nguyên sơ và văn hiến, thô mộc và kiểu cách, đời thực và quy ước cách điệu rất lạ trên mặt tranh mà không gây cảm giác chắp vá, gắn ghép cố tình.

Đặc biệt xúc động và huyễn hoặc là loạt tranh có hình người, con vật, các sinh linh đồ sộ, lộng lẫy choán hết không gian lại mỏng manh dễ vỡ như thủy tinh, dễ bị thương như loài nhuyễn thể trần trụi, dễ thui trột nhưng mầm nụ non không biết tự vệ. Một nỗi khối khắc khoải chói chang dai dẳng, một bầu lo sợ hù dọa thâm u khó thoát ra đồng thời với một sự hân hưởng êm ngọt lan lấn mê mị. Cũng là sự mở đầu nguyên thủy, sinh nở yêu đương hồng hoang lầy lội. Sự tương hợp giữ các lớp hình người và trừu tượng khá thú vị suôn sẻ.

Một dòng sông vô thức dâng trào lên tầng ý thức chan hòa với những ý niệm chủ quan và những suy lý “khách quan” tất nhiên theo quy luật “sông có khúc - người có lúc” tranh có khúc hơn khúc kém, hiện quả thẩm mỹ có lúc thế này lúc thế kia như chính Ngô Xuân Bính tự bạch rằng “…quang lực truyền cảm thị giác nhiều khi không đồng pha với ý niệm…”. Một khúc quanh mới quan trọng trên đường - đạo sáng tạo của Ngô Xuân Bính?

Dẫu gì bao quát thấy ngay rằng: Triển lãm “Niệm” của Ngô Xuân Bính là một thách thức nghệ thuật đáng nể, là một cống hiến, thành tựu nghệ thuật đáng khám phá và trân trọng.

Bảo Thoa

Tác giả
baomoi.vn
Ký hiệu nhận dạng số
VCG919036M
Độ phân giải
700*420
Tệp tin
4416178031c0d89e81d1.jpg
Kích thước file
127 Kb
Xem
4563
Bảng xếp hạng
Không có đánh giá
Đánh giá hình này

Thêm lời bình

CAPTCHA Image